www.baovecuongthinh.com

TIN TỨC

'Bậc thầy tiết kiệm' Nhật Bản chỉ 11 chiêu giữ được bộn tiền


Yoko Ogasawara. Ảnh: Halmek

Yoko Ogasawara (74 tuổi) được xem là chuyên gia tiết kiệm ở Nhật Bản, từng xuất bản nhiều cuốn sách, tiết lộ bí quyết chi tiêu trên tạp chí, kênh truyền hình. Suốt 40 năm qua, trung bình mỗi ngày bà Yoko chỉ tiêu 1.000 yen. Trong khi một bát cơm donburi có giá 700 yen, một bát mì đơn giản có giá 600 yen, vé xem phim thông thường giá 1.800 yen, mức chi tiêu của bà Yoko được xem là tằn tiện.

Yoko Ogasawara theo đuổi lối sống đơn giản bằng cách loại bỏ những thứ không cần thiết. "Cha mẹ tôi là những người tiết kiệm và tôi thích tiết kiệm tiền từ khi còn nhỏ", bà nói. Năm 27 tuổi, bà bắt đầu làm việc tại một phòng trưng bày ở Kyoto. Mức lương của bà khá tốt và bà thường gửi hơn 30% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm.

Khi bà chuyển sang làm giám tuyển tại một bảo tàng nghệ thuật tư nhân ở độ tuổi ngoài 30, lương của bà chỉ bằng 1/3 mức lương ở chỗ làm cũ. Do đó, bà cảm thấy rất lo lắng về tài chính của mình trong tương lai. Sau đó, bà tham gia một quỹ hưu trí tư nhân để nhận được trợ cấp từ 65 tuổi đến 70 tuổi. Bà khá sốc khi biết từ tuổi 70 trở đi sẽ phải sống dựa hoàn toàn vào lương hưu.

Vì vậy, để cắt giảm chi phí, bà bắt đầu tận dụng tối đa những gì xung quanh mình. "Hạnh phúc đối với tôi là loại bỏ sự lãng phí, sống khiêm tốn và trọn vẹn. Ví dụ, nơi tôi sống, người ta thu phí túi rác nên tôi giảm lượng rác thải ra càng nhiều càng tốt và tiết kiệm tiền mua túi", bà nói. Bà cảm thấy thú vị khi việc hạn chế tiêu tiền đã biến thành một lối sống thân thiện với môi trường.

1. Đặt ra mốc chi tiêu 1.000 yên một ngày

Khi đi mua sắm, Yoko Ogasawara đặt ngân sách tiêu 1.000 yên (164.000 đồng) một ngày, bao gồm cả thực phẩm và nhu yếu phẩm. Nếu cảm thấy mình đã chi tiêu quá nhiều, bà sẽ hạn chế mua sắm vào ngày hôm sau hoặc khấu trừ số tiền đã chi tiêu ngày hôm trước.

Bằng cách đó, bà có thể kiểm tra cẩn thận các mặt hàng trước khi mua, điều này sẽ giảm bớt việc mua hàng không cần thiết. Bà cũng không thường xuyên mua đồ giảm giá vì chúng thường có hạn sử dụng ngắn. Hiện tại, đôi khi bà thanh toán bằng thẻ tín dụng vì nhận được điểm thưởng, nhưng bà giữ tất cả tiền mặt trong ví.

"Bí quyết để không chi tiêu quá mức là hãy thường xuyên kiểm tra ví của bạn", bà nói.

2. Nhìn lại cách chi tiêu hàng tháng

Bà Yoko siêng sắp xếp ví, lấy biên lai ra và cất giữ theo tháng. Bà ghi những khoản chi tiêu hàng ngày vào sổ. Cuối tháng, bà tổng kết thu chi, nếu còn tiền dư, bà cảm thấy mình đã thắng cuộc trong trò chơi tiết kiệm.

Với bà Yoko, việc nhìn lại là điều quan trọng nhất khi tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Để làm chủ được việc chi tiêu, bà cho rằng cần phải vạch ra những khoản chi tiêu không cần thiết. Có những lúc bà ngẫm nghĩ: ''Tháng này mình đã phạm sai lầm nhưng khi mọi việc suôn sẻ, mình nhìn lại sẽ thấy hạnh phúc".

Bà cũng không vứt bỏ biên lai cũ ngay, sử dụng phần màu trắng ở mặt sau làm giấy ghi nhớ.


Yoko Ogasawara sống trong ngôi nhà với đồ đạc tối giản. Ảnh: fujinkoron

3. Giảm mua đồ không cần thiết

Phòng của "bậc thầy tiết kiệm" Nhật Bản đơn giản, ít đồ đạc. Với bà, một cuộc sống được bao bọc bởi nhiều thứ có thể giàu có nhưng nếu không tận dụng tốt đồ đạc, mọi thứ sẽ xâm chiếm ngôi nhà.

Nếu bạn mua đồ, bạn sẽ mất tiền và có nhiều thứ hơn. Nhưng khi sống tối giản, điều bạn hướng tới là sự xa xỉ tột cùng khi không sở hữu đồ vật. Ví dụ, nếu tủ quần áo của bạn chứa đầy quần áo, việc lấy chúng ra sẽ trở nên rắc rối. Bà Yoko cho rằng điều đó thật lãng phí thời gian, không gian và công sức.

4. Thường xuyên dọn dẹp

Yoko Ogasawara thích dọn dẹp nên thường xuyên làm việc đó. Bà thấy việc loại bỏ được càng nhiều rác thải càng tốt, giúp không gian sống trở nên sạch sẽ hơn. "Nếu bạn quyết định trước những gì bạn muốn dọn dẹp thì sẽ dễ dàng thực hiện hơn".

Bà cũng có những quy trình đặt ra khi làm việc nhà. Khi rửa bát, hãy nghĩ đến thứ tự xếp bát đĩa để tiết kiệm nước và rửa hiệu quả hơn.

5. Quyết định những thứ bạn sẽ không mua

Bà Yoko quyết định không mua đồ uống đựng trong chai hoặc lon nhựa vì nó không chỉ tiết kiệm tiền mà còn tiết kiệm tài nguyên. Khi ra ngoài, bà đổ đầy đồ uống vào những chai nhỏ để dễ mang theo trong túi xách. Ngoài ra, khi thoa kem dưỡng da, bà không dùng bông vì lo ngại khả năng thấm hút cao của nó.

6. Cố gắng ăn hết thực phẩm để giảm lượng chất thải


Một bữa ăn của bà Yoko. Ảnh: Halmek

Bà Yoko hay ăn các món không cần gọt vỏ như hạt tiêu, kiwi, cá được chế biến nhừ xương nên hầu như không lãng phí thức ăn.

7. Tiết kiệm chi phí ăn uống bằng món lẩu

Các món lẩu có thể được chế biến với nhiều nguyên liệu, tiện lợi về dinh dưỡng. Bạn có thể thay đổi hương vị tùy thuộc vào nguyên liệu thêm vào, và đây là món ăn vừa túi tiền vì không lãng phí bất cứ thứ gì.

8. Cất giữ gọn gàng mọi thứ trong hộp nhựa

Hộp đựng kẹo được tái sử dụng làm hộp đựng thuốc và hộp đựng đậu phụ tiếp tục được dùng để đựng nước sốt gói natto chưa sử dụng (dùng làm gia vị cho các món hầm). Khi hộp đựng cũ hoặc bẩn, bạn có thể dễ dàng vứt nó đi.

9. Tận dụng tối đa bằng cách tái sử dụng

Trước khi vứt thứ gì đó đi, bà Yoko luôn nghĩ xem liệu nó có thể được tái sử dụng vào việc khác hay không. Giấy gói kẹo có thể được sử dụng làm tấm lót cốc, lót bàn. Điều đó tiện lợi vì bạn không phải lo lắng về việc lau bàn sau khi ăn.

Nhiều quần áo cũ được bà Yoko tái chế thành trang phục mới, khăn quàng hoặc cắt thành giẻ lau.

10. Đi bộ để rèn sức khỏe

Bà Yoko có thói quen ra ngoài hầu như mỗi ngày và đi dạo ít nhất một giờ. Ngoài ra, bà cho rằng nếu không trò chuyện nhiều với mọi người, bà sẽ gặp khó khăn khi nói và trí não sẽ kém đi. Do đó bà thường tìm đến các khóa học miễn phí được chính quyền địa phương cung cấp.

11. Chấp nhận sự lão hóa tự nhiên

Khi bước sang tuổi 50, bà ngừng nhuộm tóc bạc và quyết định mặc quần áo làm nổi bật mái tóc bạc. Bà thường mặc trang phục cắt may cổ cao màu trắng, đội mũ nồi và đeo khuyên tai ngọc trai.

Khi bước sang tuổi 60, bà quyết định thay đổi những mỹ phẩm cơ bản sang sản phẩm rẻ tiền hơn. Dù giá rẻ, hãy kiểm tra thành phần và chọn sản phẩm chất lượng tốt. Hiện bà chỉ sử dụng những sản phẩm có giá dưới 1.000 yên, đồng thời theo dõi tình trạng da.

Tú Anh (Theo Line)